11 TUYỆT CHIÊU HỌC NHANH NHỚ LÂU KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT
(Học 1 lần, cả năm vẫn nhớ)
1. Nguyên tắc 50 phút tiếp nhận thông tin – nghỉ giải lao 10 phút
Theo các nhà nghiên cứu, não bộ có những giới hạn nhất định để tiếp nhận thông tin, xử lý và ghi nhớ những thông tin đó. Việc thúc ép não bộ phải ghi nhớ một lượng thông tin quá lớn trong thời gian ngắn sẽ không giúp bạn mang lại hiệu quả mà còn gây ra nhiều tác động tiêu cực tới sức khỏe.
Đặc biệt, các nhà khoa học cho biết, việc não bộ phải tiếp nhận thông tin quá 50 phút sẽ khiến cơ thể dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng và không tập trung để ghi nhớ những thông tin quan trọng sau đó.
Vì vậy, một giải pháp lý tưởng cho bạn là hãy lập ra một kế hoạch cụ thể cho việc học tập và làm việc theo chiến lược flashcards, cứ 50 phút tiếp nhận thông tin thì nghỉ giải lao 10 phút. Trong khoảng 10 phút này, bạn có thể thư giãn và chắt lọc những thông tin quan trọng để ghi nhớ và sẵn sàng tiếp nhận lượng thông tin kế tiếp.
2. Học hỏi kinh nghiệm từ những bậc thầy và người thành công
Mỗi người sẽ có những phương pháp học tập, cách làm việc và kỹ năng ghi nhớ vấn đề khác nhau. Việc được lắng nghe và học hỏi những kinh nghiệm quý báu của những người thành công chính là một bài học vô giá.
Bạn có thể tìm hiểu và hỏi những người xung quanh bạn về cách mà họ áp dụng để ghi nhớ các vấn đề trong cuộc sống. Sau đó, bạn có thể áp dụng những phương pháp này và tìm kiếm ra một cách hiệu quả nhất giúp bạn dễ dàng ghi nhớ.
3. Chia nội dung cần học thành nhiều phần và học phần quan trọng nhất đầu tiên
Việc chia nội dung cần học thành nhiều phần nhỏ
không chỉ tạo điều kiện dễ dàng cho việc kiểm soát mà còn giúp bạn xác định rõ những điều quan trọng nhất cần ghi nhớ.
Hầu hết những thứ chúng ta nghĩ là quan trọng thì nó lại bao gồm nhiều thứ nhỏ khác mà mỗi thứ đó lại chứa đựng các vấn đề riêng biệt. “Bạn càng chia nhỏ nội dung thành nhiều phần thì bạn càng có khả năng quyết định được phần quan trọng nhất thực sự sẽ giúp bạn đạt được điều bạn muốn?”.
Sau đó, hãy học những thứ quan trọng đầu tiên và bạn sẽ thấy, khả năng của mình được cải thiện chỉ trong thời gian rất ngắn.
Chẳng hạn, bạn muốn chơi guitar, bạn có thể chia kỹ năng thành nhiều phần như đọc nhạc, các cử chỉ với ngón tay, đặt ngón tay đúng vị trí, học các quãng, hợp âm.... Vậy phần nào là quan trọng nhất? Chắc chắn là học các hợp âm phổ biến và cách đặt ngón tay vào đúng hợp âm là hai kỹ năng quan trọng nhất vì chỉ cần biết một vài hợp âm là bạn đã có thể chơi khá nhiều bài hát.
4. Học từ nhiều nguồn
Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng nhiều cách khác nhau để thu nhận thông tin thì bạn càng có khả năng lĩnh hội chúng sâu hơn. Tại sao? Bởi vì mỗi cách này sẽ tác động tới các phần khác nhau trong não và khi nhiều khu vực trong não làm việc cùng lúc thì chúng ta càng thu nhận kiến thức tốt hơn và ghi nhớ mọi thứ nhanh hơn.
Do vậy, đừng chỉ đọc sách và đọc báo liên quan đến thứ bạn đang muốn học. Hãy thử nghe podcast, xem video, sử dụng các ứng dụng điện thoại để luyện tập, ghi ra những gì bạn học được, tham dự sự kiện, lớp học...
5. Dành 1/3 thời gian để nghiên cứu và 2/3 thời gian để luyện tập
Bạn chỉ có thể nắm bắt được nhiều hơn về cách rèn luyện một kỹ năng từ việc nghiên cứu nó. Bạn có thể dành tất cả thời gian bạn muốn để đọc về cách sút một quả bóng vào gôn nhưng khi bạn đi ra ngoài sân thì đừng hy vọng rằng bạn sẽ thành công trong lần sút đầu. Chắc chắn là bạn biết điều mà sách vở nói: "Practice makes perfect (Luyện tập tạo nên sự hoàn hảo)".
Vậy thì tỷ lệ thời gian giữa luyện tập và nghiên cứu là bao nhiêu?
Bạn chỉ nên dành 1/3 thời gian để nghiên cứu, 2/3 còn lại hãy thực sự làm nó.
Bộ não của chúng ta tiến hóa để học bằng cách làm mọi thứ chứ không phải chỉ để nghe về chúng. Đây là một trong những lý do khiến việc (đối với nhiều kỹ năng) dành 2/3 thời gian để tự bạn thử nghiệm tốt hơn rất nhiều so với việc chỉ lĩnh hội chúng qua sách vở.... Chẳng hạn, chỉ dành 30% đọc một cuốn sách self-help và dành 30% áp dụng các nguyên tắc bạn học được từ cuốn sách để kiểm nghiệm.
"Nắm bắt lý thuyết vừa đủ" sao cho bạn có thể phát hiện ra các vấn đề và cách tự sửa chữa. Một khi đã làm được như vậy, hãy chuyển sang tập trung toàn bộ thời gian còn lại để luyện tập.
6. Cam kết sẽ luyện tập ít nhất 20 giờ
Bạn cần bỏ ra 20 giờ thực hành một cách tập trung và có chủ ý. Do vậy, khi đã bắt đầu bước vào giai đoạn luyện tập thì hãy cam kết luyện tập ít nhất 20 giờ trước khi nghĩ tới việc từ bỏ.
10 giờ rõ ràng ít hơn rất nhiều so với 10.000 giờ nhưng vẫn là một cam kết thời gian rất lớn trong thời đại "ai cũng bận rộn" như hiện nay. Nó tương đương với việc dành 40 phút/ngày trong khoảng 1 tháng để luyện tập.
Cam kết thời gian chính là điểm mà chúng ta cảm thấy rắc rối nhất nhưng đây cũng chính là chìa khóa để thành công. Bạn không cần thiết phải làm cùng một thứ liên tục từ ngày này sang ngày khác để rồi rơi vào một tình trạng gọi là "The frustration Barrier" (Tạm dịch: Rào cản thất vọng), nghĩa là khi cảm thấy không thể đạt được điều mình muốn thật nhanh mặc dù đã cam kết thời gian và nỗ lực rất nhiều thì đó là lúc chúng ta mất đi sự tự tin và có xu hướng bỏ cuộc.
Sự thất vọng chính là rào cản để tiến bộ. Tuy nhiên, nếu cam kết trước sẽ dành ít nhất 20 giờ để luyện tập kỹ năng thì bạn sẽ giữ được sự kiên trì hơn trong những khoảnh khắc thất vọng.
7. Thu thập nhanh các phản hồi về hiệu quả tập luyện
Một khi đã quyết định bước vào giai đoạn tập luyện, hãy chắc là bạn sẽ tìm kiếm các phản hồi đánh giá kết quả thực hành của mình và kịp thời sửa chữa các vấn đề trước khi không thể cứu vãn.
Theo Gladwell trong cuốn Những kẻ xuất chúng thì điều thực sự khiến The Beatles khác biệt so với những ban nhạc khác ở thời điểm đó không phải chỉ ở sự tập luyện, mà đó chính là họ đã biểu diễn trực tiếp trước khán giả nhiều nhất có thể để có được thông tin phản hồi ngay lập tức từ phía người nghe về buổi biểu diễn của họ.
Phản hồi có thể từ người cố vấn, huấn luyện viên, bạn bè, gia đình hoặc các nguồn khác tùy thuộc vào kỹ năng bạn đang rèn luyện. Tuy nhiên, điểm cốt yếu vẫn là từ các phản hồi đó, bạn có thể biết được sai lầm mà bản thân không tự nhận ra được và nắm bắt được các chiến thuật phù hợp hơn. Càng nhận được phản hồi và sửa chữa vấn đề càng sớm thì kỹ năng của bạn càng được cải thiện.
8. Thiết lập deadline cho bản thân
Theo định luật Parkinson thì "Công việc luôn tự mở rộng ra để chiếm đủ thời gian được ấn định cho nó (Work expands so as to fill the time available for its completion).
Hãy nhớ lại các bài luận khi còn học đại học, bạn có cả một kỳ học để viết nhưng bạn cũng chỉ có thể hoàn thành mọi thứ ngay trước khi hết hạn? Đây chính là một minh họa điển hình của định luật trên.
Mẹo để biến định luật Parkinson trở thành lợi thế đó chính là tự thiết lập deadline cho bạn. Khi bạn dành cho mình ít thời gian để hoàn thành một thứ gì đó thì bạn sẽ làm nó hiệu quả hơn. Hay nói cách khác, bạn cần hối thúc bản thân mình ở một mức nào đó.
Chẳng hạn, khi muốn trở thành một diễn giả đầy kinh nghiệm, hãy lên kế hoạch cho các sự kiện với thời gian cụ thể bạn cần phải thuyết trình trước mọi người. Thay vì trì hoãn, hãy tạo ra những nhiệm vụ thực sự, đánh dấu chúng trên lịch và mỗi khi nhìn lên danh sách việc cần làm, bạn sẽ chẳng thể nào bỏ cuộc được nữa.
9. Tập trung, tập trung, tập trung!
Để học một cách nhanh nhất, điều quan trọng vẫn là cam kết dành toàn bộ sự tập trung và chú ý hoàn toàn vào kỹ năng mà bạn đang cố gắng rèn luyện.
"Đa nhiệm" hay làm nhiều việc cùng lúc là một thói quen xấu rất nhiều người mắc phải. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chúng ta sẽ làm việc kém hiệu quả và tăng lỗi sai nhiều hơn. Nếu bạn nghĩ mình là một ngoại lệ thì hãy cân nhắc điều này: chỉ có 2% dân số thế giới thực sự có khả năng làm nhiều việc cùng lúc một cách hiệu quả, 98% còn lại sẽ giảm 40% năng suất và tăng 50% số lỗi khi làm việc đa nhiệm so với những người chỉ làm một việc tại một thời điểm.
10. Ngủ đủ
Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng khả năng tiếp nhận thông tin và kỹ năng mới. Khi chúng ta tỉnh táo, các tình huống mới và kích thích có thể ngăn chặn những thông tin mới được gắn chặt trong tâm trí chúng ta. Trong khi đó, theo một nghiên cứu từ một phòng thí nghiệm ở Đức thì nếu cần thu nạp lượng thông tin mới thì có một giấc ngủ trước đó sẽ giúp bạn ghi nhớ sâu hơn.
Nếu thiếu ngủ, chúng ta sẽ rất khó khăn trong việc thu nạp thông tin bởi vì bộ não không có cơ hội để xem xét và "hấp thụ" chúng.
11. Đừng vội vàng từ bỏ khi vừa kết thúc "tuần trăng mật"
Như đã đề cập ở trên, mọi người thường từ bỏ khi hết thời gian, hết tiền, cảm thấy sợ hãi, mất tập trung, mất hứng thú...
Khi bắt đầu học một thứ gì đó mới, chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn mà nhiều người thường gọi là "tuần trăng mật". Đó là lúc não sản sinh nhiều dopamine nhất. Chúng ta muốn nhận được sự đánh giá cao từ phía người khác và mong muốn tìm kiếm sự mới lạ bởi vì nó khiến mỗi người cảm thấy hài lòng.
Tuy nhiên, khi "tuần trăng mật" qua đi, đó là lúc chúng ta cảm thấy thất vọng, không muốn tiếp tục và sẵn sàng từ bỏ.
Nếu như vậy, hãy áp dụng quy tắc cam kết luyện tập ít nhất 20 giờ ở trên và bạn sẽ thấy khi đã vượt qua được những thời điểm khó khăn nhất thì các tín hiệu tốt sẽ xuất hiện.
Nguồn: Tổng hợp từ Quản trị mạng và CafeF
#kynangmoi #kynangtop
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét